Thân thế và hành trạng Chân Không

Vương Hải Thiềm là người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Xuất thân trong một gia đình quý tộc, nhưng mồ côi từ thuở nhỏ, nhờ khổ công học tập, nên 15 tuổi đã hiểu nhiều sách vở.

Năm 20 tuổi [2], ông dạo khắp thiền lâm để tìm thầy tu học. Sau khi đến dự hội giảng do thiền sư Thảo Nhất chủ trì tại chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu (Bắc Ninh) [3], nghe kinh Pháp hoa, Vương Hải Thiềm bỗng nhiên tỏ ngộ. Kể từ đó, ông thờ thiền sư Thảo Nhất làm thầy.

Nhờ siêng học hỏi, hiểu biết thiền học của sư (tức Vương Hải Thiềm) ngày càng tăng tiến. Khi đã lĩnh thụ được tâm ấn, sư đến ở chùa Chúc Thánh nơi núi Phả Lại, thuộc trại Phù Lan (nay thuộc tỉnh Hưng Yên).[4], tu trì giới luật suốt 20 năm, và nổi tiếng là bậc chân tu với pháp danh là Chân Không.

Mến mộ, vua Lý Nhân Tông (ở ngôi: 1076-1084) cho mời thiền sư Chân Không vào đại nội giảng kinh Pháp Hoa, được nhiều người đến nghe. Lúc bấy giờ có Thái úy Lý Thường Kiệt, Tướng quốc Thân Vứu và Thứ sử Lạng Châu[5] cũng đều mến mộ sư, nên thường bỏ của riêng ra cúng dường. Thiền Sư đem số của cải ấy dùng vào việc sửa chùa, xây tháp, đúc chuông...

Khi tuổi đã khá cao, thiền sư Chân Không trở về quê quán, dựng lại chùa Bảo Cảm, và tiếp tục hoằng pháp ở đó.

Đêm ngày mồng Một tháng 11, năm Hội Phong thứ 9 (1100) đời Lý Nhân Tông, thiền sư Chân Không ngồi kiết già thị tịch (hưởng dương 54 tuổi), sau khi đọc cho các đệ tử nghe một bài kệ.

Nghe tin, hoàng thái hậu Ỷ Lan, công chúa Thiên Thành, ni sư Diệu Nhân cùng đông đảo phật tử đến phúng viếng. Qua hai ngày sau, đại sư Nghĩa Hải Đại Sư ở chùa Sa Minh, sa môn được ban ấn tín là Pháp Thành cùng nhiều đồ chúng cũng đem lễ vật đến, rồi làm lễ an táng và xây tháp cho thiền sư ở trong khuôn viên chùa.Khi ấy, học sĩ Nguyễn Văn Sử phụng chiếu soạn bài minh cho tháp, và thượng thư Đoàn Văn Khâm có thơ truy điệu, trong đó có câu (dịch từ chữ Hán):

...Phút chốc cửa từ cây cột đổ,Bùi ngùi rừng đạo gốc thông lay...